Kính thưa toàn thể bà con Nhân dân!
Hiện nay, tại một số xã lân cận
xã Nghĩa Thọ, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát mạnh, gây thiệt hại nặng
nề cho người chăn nuôi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trước tình
hình đó, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu của dịch bệnh, đồng thời chủ động
trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch, UBND xã Nghĩa Thọ đề nghị toàn
thể Nhân dân theo dõi chặt chẽ tình trạng đàn lợn và nghiêm túc thực hiện các nội
dung sau:
1. Về triệu chứng của bệnh
Lợn bị nhiễm
Dịch tả lợn Châu Phi có nhiều
triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện
các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết
bệnh là lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40oC, xảy ra với tất cả
các loại lợn (nái, đực, con, choai), lợn không ăn, lười vận động, nằm ủ rũ, di
chuyển bất thường, có triệu chứng về hô hấp, một số vùng da trắng chuyển sang
màu đỏ, hoặc da phần dưới vùng ngực và bụng, vành tai, đuôi, cẳng chân có thể có
màu sẫm xanh tím hay da bị hoại tử, viêm loét mãn tính.
2. Các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Để chủ động phòng và chống dịch
bệnh Dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần phải thực hiện nghiêm các biện
pháp như sau:
- Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an
toàn sinh học trong chăn nuôi; không cho lợn ăn thức ăn thừa từ quán ăn, nhà
hàng, khách sạn…; hạn chế khách tham quan, hạn chế cho thương lái vào khu vực
chăn nuôi. Trong trường hợp phải đi vào chuồng nuôi cần phải thay trang phục và
mang ủng hoặc giày dép của trại, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng cho
người, dụng cụ và phương tiện. Tại chuồng nuôi, cần vệ sinh, tiêu độc khử trùng
ít nhất 1 lần/tuần. Đối với phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, cần
vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau khi ra, vào khu vực chăn nuôi.
- Tăng cường chăm
sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho
đàn gia súc, lựa chọn nguồn thức ăn được cung cấp từ cơ sở có uy tín.
- Mua con giống
có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ, được kiểm dịch, được giám sát bệnh
truyền nhiễm định kì và có kết quả âm tính. Không sử dụng con giống không rõ
nguồn gốc. Khi nhập gia súc về nuôi và khi xuất bán gia súc phải khai báo với
cơ quan Thú y có thẩm quyền.
Trong khi tình hình dịch bệnh chưa ổn
định thì hạn chế nhập mới gia súc về nuôi nhất là từ khu vực các tỉnh có nguy
cơ cao. Trong trường hợp cần thiết thì chỉ nên nhập gia súc từ các trại chăn
nuôi đã được công nhận an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của
cơ quan thú y.
- Khi phát hiện đàn gia súc có những biểu
hiện của bệnh truyền nhiễm như sốt cao, bỏ ăn hàng loạt, ... hoặc gia súc có
các triệu chứng điển hình của bệnh Dịch tả lợn châu Phi như đã nêu ở trên, lợn
chết không rõ nguyên nhân thì phải nhanh chóng báo cho xóm trưởng, UBND xã, để
kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời.
- Người tiêu dùng không nên mua và sử
dụng các sản phẩm thịt gia súc (thịt lợn) không rõ nguồn gốc.
3.
Các hành vi nghiêm cấm trong công tác phòng, chống dịch, gồm:
- Giấu dịch (khi các hộ gia đình, cá nhân có lợn ốm, chết
thì báo ngay cho xóm trưởng để có bện pháp xử lý kịp thời).
- Mua bán, vận chuyển lợn bệnh,
lợn chết.
- Giết mổ, tiêu thụ thịt lợn
bệnh, lợn chết.
- Vứt lợn ốm, lợn chết ra môi
trường.
4. Xử lý vi phạm trong phòng chống dịch bệnh
Hành vi vi phạm trong
phòng chống dịch bệnh được thực hiện theo Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 31/7/2017
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020).
Nếu tổ chức, cá nhân nào cố
tình vi phạm không chấp hành các hành vi đã nghiêm cấm nói trên thì bị xử lý
như sau:
Điều 6. Vi
phạm quy định chung về chống dịch bệnh động vật
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng
đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng
đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Khai báo không đúng số
lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải
tiêu hủy với mục đích trục lợi;
b) Khai báo không đúng số
lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục
đích trục lợi;
c) Cung cấp thông tin không
chính xác về dịch bệnh động vật cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý
chuyên ngành thú y hoặc nhân viên thú y cấp xã.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng
đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã
công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh động vật mà không được phép
của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.
4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng
đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiêu hủy không đúng quy định
hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh
thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật;
b) Không chấp hành biện pháp xử
lý bắt buộc động vật mắc bệnh, động vật có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm của động
vật mang mầm bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc
chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố
ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y
có thẩm quyền.
5a. Phạt tiền từ 20.000.000
đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này
mà gây thiệt hại về tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng.
5b. Phạt tiền từ 30.000.000
đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này
mà gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên trong trường
hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết
định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc
quyết định đình chỉ vụ án.”
5. Yêu cầu đối với các cơ sở
chăn nuôi
- Các cơ sở chăn nuôi phải bảo đảm có hệ thống thu gom, xử
lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, triển khai lập hồ sơ, thủ tục đăng ký môi
trường (hoặc đề
nghị cấp giấy phép môi trường)
và các hồ sơ, thủ tục khác theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện chăn
nuôi. Tuyệt đối không được tự phát chăn nuôi nếu không đáp ứng các yêu cầu về
bảo vệ môi trường.
- Các hộ gia đình thực hiện
Đăng ký môi trường trước khi chăn nuôi được quy định tại Điều 49 Luật Bảo vệ
môi trường; Hồ sơ theo Mẫu 47 kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT (được sửa
đổi, bổ sung tại Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT ngày 28/2/2025).
Trên đây là hướng dẫn của UBND xã
Nghĩa Thọ về các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Đề nghị các đồng
chí cán bộ, đảng viên và toàn thể bà con Nhân dân tích cực phối hợp, đồng hành
và nghiêm túc thực hiện theo quy định./.